Lắng Nghe Để Yêu Thương
Phụ nữ muốn hạnh phúc trong tình yêu nên tìm một người đàn ông chịu khó lắng nghe và biết cách chia sẻ. Đây là lời khuyên chân thành được đúc kết từ những kinh nghiệm xương máu của chính bản thân tôi, gia đình tôi, và những người thân yêu nhất.
Tôi đã thấy những người phụ nữ nuốt nước mắt vào lòng, những người phụ nữ lặng lẽ khóc trong đêm, những người phụ nữ thất thần đôi mắt ướt, những người phụ nữ gào khóc tức tưởi, và rồi lại âm thầm quay lưng gạt lệ nhoà... Rất nhiều những giọt lệ đã rơi, thường là phí hoài vô nghĩa.
Người ta thường lắc đầu chê bai, chép miệng phê phán phụ nữ lắm lời, rằng thì là phụ nữ ít lời mới là khôn ngoan. Nhiều người hiểu sai và lại tin là thật, tự ép bản thân giữ vững đức hạnh bằng một nụ cười che giấu sầu bi.
Phụ nữ nên được khuyến khích nói và bày tỏ nhiều hơn, đơn giản bởi họ thường đã nói rất ít và chắt lọc rất nhiều so với những gì họ thành thực cảm nghĩ.
Phụ nữ cảm nghĩ nhiều là điều tự nhiên, bởi họ sinh ra vốn dĩ đa sầu đa cảm và tinh tế tỉ mỉ hơn người đàn ông. Tâm sự giãi bày là cách tốt nhất để người phụ nữ giải toả tâm lý của chính họ và giải quyết khúc mắc với những người thân thương, đặc biệt là người đàn ông quan trọng bên cạnh họ.
Họ "kiệm lời" cũng bởi dễ thấu cảm, hay thương người, nhiều khi dặn lòng nén nhịn, giấu kín những bức xúc khó chịu bởi bản tính dịu hiền, trái tim mềm yếu, tâm lý sợ tổn thương, ngại xích mích.
Đôi khi, những gì người phụ nữ cần là sự cảm động và cảm giác yêu thương chân thành được gói ghém nâng niu bằng sự quan tâm ân cần và tinh ý. Những điều lãng mạn tình tứ ấy, nếu phải dùng lời lẽ thẳng thắn để đòi hỏi, chẳng phải sẽ mất hết ý nghĩa đẹp đẽ hay sao?
Xã hội quá khắt khe trong giao tiếp ứng xử đồng thời quá đề cao thái độ "vì cảm xúc của người khác" cũng khiến người ta có cảm giác nặng nề, ngại ngùng và dè dặt khi phải mở đầu một câu chuyện tế nhị, dễ gây mâu thuẫn và mất lòng.
Trong nhiều hoàn cảnh, truyền thống văn hoá - xã hội đẩy người phụ nữ vào vị thế yếu hơn và dễ bị phán xét hơn. Điều này hình thành thói quen khép nép, kín đáo và tâm lý nhún nhường, chịu đựng.
Họ không dám và cũng không biết cách thẳng thắn bộc bạch và đối diện với vấn đề một cách sòng phẳng và ngang hàng với đàn ông, mà việc gì không được học và thực hành cũng sẽ thành thiếu kỹ năng, khi va vấp sẽ lúng túng và quẩn quanh không lối thoát.
Khi người ta nhìn thấy và cảm thấy nhiều hơn nhưng lại không thể nói ra thành lời, hoặc những lời nói ra không thể đến được người cần nghe mà phũ phàng quay ngược trở lại như trời giáng xuống thân người phụ nữ, thì bức xúc ức chế là điều hiển nhiên.
Phụ nữ nên nói nhiều hơn, nhưng cần học cách nói ngay ngắn, đàng hoàng, để lời nói có sức mạnh, giá trị và hiệu quả hơn, để đạt được mục đích và không rơi những giọt lệ vô nghĩa. Nói với ai, nói điều gì và nói như thế nào là những điều đáng để cân nhắc.
Giao tiếp là mấu chốt của mọi mối quan hệ, và chỉ có thể thành công nếu mũi tên hai chiều đều thoả mãn và thông suốt. Chính vì vậy, đàn bà học nói thì đàn ông cũng nhất định phải học lắng nghe: lắng nghe đàng hoàng, tử tế và chân thành.
Tôi từng quen một chàng trai trẻ đến từ một môi trường văn hoá có nhiều khác biệt so với những gì tôi được nuôi dạy và thân thuộc. Chúng tôi không thể giao tiếp dù cùng sử dụng những ngôn ngữ chung, phần lớn là tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ quốc tế cả hai cùng thông thạo.
Tôi đã luôn tự trách mình hoặc đổ lỗi cho khác biệt văn hoá. Nhưng bình tĩnh nghĩ lại, tôi nhận ra vấn đề không nằm ở đó. Không có một nền văn hoá văn minh và tốt đẹp nào dạy những công dân của họ nói trước khi nghe và tranh biện trước khi hiểu.
Lắng nghe bao gồm hành động nghe và tìm hiểu rõ điều được nghe. Chàng trai trẻ đã thất bại ở cả hai giai đoạn này, ngay từ việc tôn trọng lượt lời của đối phương, im lặng và kiên nhẫn nghe họ trình bày.
Tôi đã rất cố gắng, tận dụng mọi cơ hội để truyền đạt những điều mình cảm nghĩ, nhưng mọi cố gắng của tôi đều đã luôn rơi vào một vòng tròn quẩn quanh bế tắc và bất lực. Không những không nhận được sự cảm thông và chia sẻ, ngược lại còn nhận lấy sự tấn công quyết liệt và những tổn thương không thể hoá giải.
Mỗi nỗ lực kiên cường và bền bỉ của tôi luôn đem về cho tôi hai cái tát đau đớn. Cái tát đầu tiên là những lời nói của chính tôi bật ngược trở về điểm xuất phát khi không cách nào lọt vào tai người nghe. Cái tát thứ hai là bài biện cãi dài lê thê với đầy những phân tích sắc sảo, nhưng sai đường ngược lối, bởi đơn giản là chẳng nghe làm sao biết.
Tất cả những gì tôi khao khát nhận được không nhất thiết phải là sự đồng ý hoàn toàn, mà đơn giản chỉ là một chút lắng nghe, một chút ngẫm nghĩ, một chút thẩm thấu, và một câu nói "Anh đã hiểu điều em muốn nói" bằng tất cả sự chân thành và tôn trọng tôi xứng đáng nhận được.
Tôi đã sai, khi kiên cường đâm đầu vào ngõ cụt, khi cố gắng khai thông một con đường bất khả. Ai bảo "đàn ông miệng rộng thì sang"? Hoá ra đàn ông miệng rộng "tan hoang cửa nhà"!
Chúng ta đều phải dành rất nhiều thời gian để nghe trước khi có thể bắt đầu nói. Điều đó dễ khiến người ta lầm tưởng học nói khó hơn học nghe. Tuy nhiên, kỹ năng lắng nghe quan trọng hơn nhưng lại khó học hơn rất nhiều, và phải học cả cuộc đời. Muốn hạnh phúc và yêu thương, nhất định phải lắng nghe.
Tampere, 07.12.2019
Hạnh Quyên