Học Từ Chính Mình
Người đáng trách nhất không phải là người chưa tốt, bởi ai cũng có khuyết điểm và chúng ta đều mắc sai lầm. Người đáng trách nhất là người tự thỏa mãn với cái xấu, thấy rõ cái xấu mà không cầu thay đổi, chối từ cơ hội trở nên tốt đẹp hơn. Cái xấu ở đây là cái xấu ở chính mình, là điều làm bản thân khổ và người thương đau.
Quan sát và uốn nắn chính mình để hoàn thiện bản thân chính là ý nghĩa của Tâm Thoại - tiếng nói của nội tâm.
Ngộ Không và Đường Tăng không phải hai nhân vật xa lạ mà chính là tôi và bạn, là tất cả chúng ta. Ngộ Không và Đường Tăng không đại diện cho Thiện và Ác mà đơn giản là hai mặt luôn song hành trong mỗi con người.
Ngộ Không thường được hiểu là bản lĩnh và trí tuệ. Như người ta vẫn nói “lắm tài nhiều tật”, bởi vậy, Ngộ Không cũng chính là những khuyết điểm và những mặt chưa hoàn thiện của mỗi chúng ta, như nóng giận, đố kỵ, ghen tức, bảo thủ, cố chấp, tham lam, ích kỷ, hận thù, tự ái, thờ ơ, khờ dại, hống hách, háo thắng... và cái tôi quá lớn.
Trong tôi, Ngộ Không là một đứa trẻ, là âm thanh la lối đòi hỏi, đầy chủ quan, dễ bị kích động và tổn thương.
Đường Tăng thường được hiểu là thiện tâm và từ bi. Nhưng Đường Tăng trong Tâm Thoại không giống Đường Tăng trong Tây Du Ký với niềm tin mù loà, mềm yếu vô dụng, bi lụy yêu ma, tự đẩy chính mình và người đồng hành vào hiểm nguy và nghi kỵ. Đường Tăng trong Tâm Thoại là một người Thầy đích thực với đầy đủ sự thông tuệ, sáng suốt và cao minh, tử tế và yêu thương nhưng không mù quáng hay thiên lệch.
Trong tôi, Đường Tăng là một người thầy, là tiếng nói thủ thỉ khuyên răn, uốn nắn chỉ bảo, để đứa trẻ Ngộ Không có cái nhìn rộng mở và bao dung hơn.
Tôi tin rằng, chỉ cần mỗi người có ý thức nuôi dưỡng bản tâm và vun đắp đạo đức, vào một thời điểm thích hợp, ở một môi trường thích hợp, tự khắc Đường Tăng sẽ thành hình sống động. Và nếu để tâm quan sát và lắng nghe chính mình, chúng ta sẽ thấy những tiếng nói ngày một rõ ràng hơn. Khi ấy, bạn đã trở thành người Thầy của chính mình.
Åland, 20.12.2020
Hạnh Quyên